Hoạt động dự án

Đối với trẻ em vùng cao – Học mới là con đường ngắn nhất để thay đổi cuộc đời

Sinh ra và lớn lên ở Thành phố Sơn La, xung quanh nơi tôi ở chẳng có đứa trẻ nào là không được đi học, không được đến trường cả, và đó còn là điều bắt buộc khiến chúng cảm thấy nhàm chán và sinh ra cảm giác thích được “nghỉ học”.

Nhưng khi đi xa, đến những nơi khó khăn, hiểm trở của vùng cao, có những nơi còn khiến ta cảm thấy hơi “rợn” vì vào mùa mưa này, bình thường con suối nhỏ hiền hòa là thế nhưng chẳng may băng qua có lũ ống, lũ quét thì chẳng thể lường trước được hậu quả.

Ở dưới này, mưa một cái là cũng ngại đạp xe đi học, kể cả bố mẹ đưa đi cũng thật ngại, nhưng ở vùng cao, mưa một cái là đường trơn như bôi mỡ, lầy lội và trượt ngã là điều rất bình thường, ấy vậy mà muốn thay đổi cuộc đời, các em nhỏ vùng cao buộc phải vượt qua, vượt qua biết bao nhiêu là núi, đồi, sông, suối để được học con chữ, đường lên đến trường có khi đi bộ 8 – 10km, vậy cho nên những em nhỏ vùng cao khi đi thi đại học sẽ được cộng nhiều điểm, có khi lên tới 3,5 điểm, một số điểm mà ở dưới xuôi nhiều em phải ghen tỵ, nhưng cũng mong các em hiểu, để học được đến năm lớp 12, các em nhỏ vùng cao ấy đã phải trải qua những gì trong suốt những năm tháng học tập ở điều kiện thiếu thốn đủ bề.

Một lần tôi đi khảo sát dự án để mở rộng dự án “Nuôi em Mộc Châu”, đến bản tôi thấy ở đây nghèo khủng khiếp, điện không có, cơm ăn cũng không, thậm chí, vật nuôi cũng gầy trơ xương. Đường đi thì sợ, tay lái yếu chắc chẳng dám đi vì nguy cơ ngã, bỏng ống bô lúc nào cũng hiện hữu, thuận lợi thì từ trung tâm lên hết 2 tiếng (mà chỉ đi có 19km) còn trời mưa thì chẳng biết thế nào…

Đến nơi thấy trường sập sệ, ván gỗ mỏng tang, rồi mối mọt, trộm nghĩ mùa đông mà gió rít thì chắc lạnh chẳng học nổi vì các em nghèo có áo mặc đâu? Rồi các cô chả có nhà công vụ để bám bản, mỗi khi mưa tới lại ghép các bàn học sinh vào để làm nơi nghỉ, soạn giáo án.

Chừng ấy cũng đủ để việc học của trẻ em vùng cao “tăng độ khó” đến mức nào, lúc đó tôi chỉ mong được xóa những điểm trường ấy thành những điểm trường bê tông, giúp cho cô và trò có được nơi dạy và học tốt hơn. Một ý tưởng chợt lóe, ngồi họp cùng anh em tôi nói ra mong muốn là giờ nuôi cơm ổn rồi, lớp học sập sệ quá, chắc phải có dự án xây lại lớp học mới để các em vui vẻ và an toàn, thế đặt tên dự án là gì nhỉ?

Nghĩ một lúc thì cậu em trong Đoàn thanh niên tôi bảo: “Thế thì cứ tối giản nhất có thể đi a, dự án mà giúp các em vừa vui, vừa an toàn, ấm áp thì gọi là Hạnh phúc cho em”

Và “Hạnh phúc cho em” ra đời như thế, logo thì là một ngôi nhà vững chãi và một trái tim hoàn hảo. Ban đầu tôi bảo huy động cơm trưa đã khó nay huy động cả cái trường không biết làm nổi không? Ấy vậy mà tôi có cộng đồng các MTQ “thiên thần” luôn đồng hành, ủng hộ, được các anh, các chị ở Trung tâm TNQG động viên, bảo ban, chia sẻ kinh nghiệm, đến giờ có tận 16 điểm trường được xây dựng thay những điểm trường vách gỗ “bất ổn”, sắp tới sẽ thêm 3 cái nữa.

Nhiều lần lên khánh thành cùng các Mạnh thường quân, các cô giáo cứ ôm chầm lấy tôi rồi bảo “Cảm ơn em rất nhiều vì thực sự đây là ước mơ của cả bản, của các cô, điểm trường khang trang quá em ah!”, tôi bảo: “Các cô đừng cảm ơn em, hãy dành tình cảm đó cho các Mạnh thường quân đồng hành cùng dự án, em chỉ góp sức mình để kết nối thôi”. Và thế là đến bữa ăn liên hoan khánh thành trường, các Mạnh thường quân của tôi thường bị các cô giáo và bà con dân bản chúc cho chẳng gắp được miếng nào và phải xin “trốn”.

Vùng cao là vậy đấy, có lên mới biết sự khó khăn thế nào, nhưng tình cảm, chân thành thì luôn là số 1, cảm xúc và chẳng thể quên!

Nguồn: Dương Hải Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *